Bài đăng nổi bật

Duyên phận chỉ cho ta lướt qua nhau trong giây lát

Một buổi chiều mùa thu nắng hạ rất đẹp bỗng dưng một cơn mưa rào ập tới, xua đi cái nắng đẹp của chiều thu. Cơn mưa ấy làm tôi nhớ lại nhữn...

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

Bắc Ninh mảnh đất đậm nét văn hóa truyền thống

Bắc Ninh một mảnh đất cổ lâu đời với nhiều nét  văn hóa truyền thống  đặc sắc. Nói đến Bắc Ninh người ta nhớ ngay tới câu ca dao Quan Họ, những làn điệu dân ca đã đi sâu trong tiềm thức bao người con đất Việt. Bắc Ninh còn được mệnh danh là vương quốc của lễ hội. Theo thống kê của ngành Văn hóa, toàn tỉnh có 547 lễ hội truyền thống. Hầu như làng xã nào cũng có lễ hội.
cac le loi bac ninh
                Bac Ninh manh dat dam net van hoa truyen thong

Các lễ hội lớn tại Bắc Ninh

Các lễ hội diễn ra suốt năm, nhưng đa số được mở vào mùa xuân. Hầu hết là hội làng, nhưng cũng có lễ hội lớn do hàng xã hoặc hàng tổng tổ chức như hội Dâu (Thuận Thành), hội Đền Than (Cao Đức - Gia Bình), hội Lim (Tiên Du), hội “Tứ thôn giao kiệt” (Yên Phong)…
Loại hình và tính chất lễ hội của Bắc Ninh khá đa dạng. Đa số là những lễ hội mở ra  nhằm kỷ niệm, tưởng nhớ các danh nhân lịch sử - văn hóa của quê hương,  đã làm rạng rỡ lịch sử và truyền thống văn hiến Kinh Bắc - Bắc Ninh.Các danh nhân văn hóa lịch sử của quê hương được các làng xã tôn thờ làm thành hoàng và hàng năm mở lễ hội kỷ niệm ngày sinh (hoặc ngày hóa) để tỏ lòng nhớ ơn công lao đối với đất nước, quê hương. Nhiều hội đền, hội chùa đậm nét tín ngưỡng, tôn giáo như hội chùa Dâu, hội đền Phả Lại, hội đền Bà Chúa Kho, hội chùa Hàm Long, hội làng Đồng Kỵ, hội chùa Phật Tích… Nhưng cũng không ít lễ hội mang đậm yếu tố văn hóa dân gian như hội làng Yên Vỹ, làng Đông Tiến (Yên Phong), hội Chen làng Nga Hoàng (Quế Võ), nhất là các hội ở các làng Quan họ.
van hoa truyen thong bac nin
                          van hoa truyen thong bac ninh
Các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng và diễn xướng văn hóa dân gian trong các lễ hội ở Bắc Ninh thật sự là phong phú và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Hầu như ở lễ hội nào cũng có các cuộc tế lễ trang nghiêm, rước  rất linh đình và sôi động, thu hút hàng nghìn lượt khách thập phương đến tham gia, tiêu biểu như lễ rước trong hội đền Kinh Dương Vương (Á Lữ - Thuận Thành), lễ rước Phật “Tứ Pháp” trong hội chùa Dâu, các cuộc tế lễ, rước kiệu tám vua Lý trong hội Đền Đô, lễ rước của 10 làng trong hội “ Thập Đình” ở (Bảo Tháp - Gia Bình), lễ rước của các làng thuộc tổng Nội Duệ trong hội Lim (Tiên Du), lễ rước của 7 làng cùng thờ Đức Cao Lỗ Vương trong hội Đền Than (Cao Đức - Gia Bình)… Các lễ rước là sự tái hiện lại thời lịch sử oai hùng và truyền thống thượng võ của quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh với không khí hào  hùng , náo nhiệt đầy lòng tự hào và lòng thành kính của người dân nơi đây.
Mỗi một lễ hội ở đây mang một nét đặc sắc, phong thái riêng biệt, tạo nên sự hấp dẫn riêng của lễ hội Bắc Ninh. Hội Dâu có trình diễn Phật “Tứ Pháp” thi cướp nước, múa gậy “hồng côn"; Hội đền Phả Lại có lễ rước nước, các trò vui như múa rối nước, thi bơi thuyền, đốt cây bông, bắt vịt,...; Hội làng Đồng Kỵ có lễ rước và trò “rô ông đám”, bắt trạch trong chum… trái ngược lại Lễ hội Đền Đô mang lại phong thái trang nghiêm với lễ rước và tế các vua Lý, sôi động các trò vui đấu vật, đốt cây bông, thi nấu cơm, diễn tuồng… Hội Đền Than (Cao Đức) nổi tiếng có đấu vật, thi bơi chải trên sông Lục Đầu; Hội làng Yên Vỹ có cuộc thi kéo dây lấy lửa hội làng Đông Tiến (Yên Phong) có lễ hạ điền. Đặc sắc là hội Chen làng Nga Hoàng (Quế Võ), hội khán hoa chùa Phật Tích với việc diễn tích chèo cổ Chàng Từ Thức gặp Tiên Giáng Hương…
hoi lim bac ninh
                             hoi lim bac ninh
Thu hút nhất là những buổi sinh hoạt văn hóa Quan họ trong các lễ hội. Đây là thời khắc người Quan họ Bắc Ninh thể hiện sự chân tình, lịch lãm trong việc đón bạn, tiếp khách, đặc biệt là trình diễn điêu luyện và đặc sắc nghệ thuật ca hát Quan họ, qua đó thể hiện đạo lý sống  người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình“tứ hải giao tình” “bốn biển một nhà’ “tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm”. Chính với những giá trị nhân văn sâu sắc đó, Dân ca Quan họ Bắc Ninh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sinh hoạt văn hóa Quan họ là nét đặc sắc nhất trong các lễ hội ở Bắc Ninh, tiêu biểu là hội Lim, hội làng Diềm - một làng Quan họ gốc, nơi duy nhất có đền thờ Vua Bà - thủy tổ Quan họ vào ngày 6 tháng 2 (âm lịch) hàng năm.
Thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, lễ hội Bắc Ninh được bảo tồn và phát triển. Những giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống được phát huy. Hội đền Kinh Dương Vương, lễ hội Lim, hội chùa Dâu, hội làng Diềm được mở rộng quy mô thành lễ hội cấp tỉnh và cấp huyện. Nhiều lễ hội mới như hội thi hát Quan họ đầu xuân,  Hội chợ Thương mại - Du lịch, các chương trình nghệ thuật Fesival Bắc Ninh,Hội Báo xuân, Hội thi sinh vật cảnh, Về miền Quan họ… được định kỳ tổ chức, thu hút đông lượng khách thập phương trong và ngoài nước tới tham dự. Sự hấp dẫn là bởi dù là lễ hội truyền thống hay lễ hội mới đều mang bản sắc quê hương và là sự hội tụ tinh hoa nền văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Tổng Kết

Lễ hội Bắc Ninh đang trở thành nguồn lực của sự phát triển văn hóa - xã hội của tỉnh trong sự nghiệp đổi mới, đồng thời là điểm hẹn của du khách mỗi khi về thăm vùng quê Quan họ. Bắc Ninh còn được mệnh danh "cái nôi của đất Việt" bởi vì nơi đây vẫn mang đậm nét bản sắc văn hóa của người Việt xưa, vẫn lưu giữ những nét truyền thống cổ truyền mà những tỉnh thành khác đã mất.

Không có nhận xét nào: